T6, 09 / 2020 11:16 sáng | hanhdalat

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 330 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2020, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Đầu tư ra nước ngoài 8 tháng đầu năm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng, cả nước có 86 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư là 218,4 triệu USD; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 111,8 triệu USD.

Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 330 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 8 lượt dự án điều chỉnh tính riêng trong tháng 8, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài (bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm) đạt hơn 77 triệu USD, tăng hơn 2,5 lần so với tháng trước.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoại trong 13 lĩnh vực ngành nghề. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 10 dự án cấp mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, đạt 225,7 triệu USD, chiếm 68,4% tổng vốn đầu tư.

Xếp thứ 2 là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, với tổng vốn đăng ký 39,6 triệu USD, chiếm 12%. Theo sau là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 19,6 triệu USD, chiếm 5,9%.

Bên cạnh đó, có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Đức là quốc gia nhận nhiều vốn đầu tư nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam với 4 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 92,6 triệu USD, chiếm 28% tổng vốn đầu tư trong 8 tháng đầu năm.

Theo sau là Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%; Myanmar với 44,6 triệu USD, chiếm 13,5%; Hoa Kỳ với 40,8 triệu USD, chiếm 12,3%,…

Mặc dù vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng đầu năm tăng mạnh, nhưng phần vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 8 tháng lại có dấu hiện giảm đáng kể.

Tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất 4 năm gần đây.

Đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn; hoặc thanh toán mua một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh; hoặc xác lập quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam, đồng thời trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó.
Ngày 25 tháng 9 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài; áp đụng dối với tổ chức kinh tế, hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã, tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật các tổ chức tín dụng; hộ kinh doanh, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam và các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

1. Dự án đầu tư ra nước ngoài (dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; dự án đầu tư không thuộc trường hợp trên nhưng có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên).

2. Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc một trong số các giấy tờ sau: Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Quyết định thành lập.

3. Tài liệu xác định địa điểm đầu tư (đối với các dự án năng lượng, dự án nuôi trồng đánh bắt chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp thủy hải sản, dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản, dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất chế biến chế tạo, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng).

4. Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án

5. Văn bản chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài, Báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất dự án đầu tư ra nước ngoài làm cơ sở cho việc chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu (đối với dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Quyết định đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư quyết định đầu tư ra nước ngoài theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hoặc theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của tài liệu và nội dung đăng ký đầu tư. Hồ sơ (08 bộ) được nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời đăng thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, nhận mã khai hồ sơ trực tuyến, nhận tài khoản tạm thời để theo dõi tình hình giải quyết hồ sơ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày làm việc. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do. Thời hạn 15 ngày này cũng áp dụng trong trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bị mất, cháy, rách, nát, hỏng.

Việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo Điều 16, Điều 17 , Điều 18 của Nghị định này.

Nhà đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động của dự án đầu tư ra nước ngoài (i) bằng văn bản, ii) thông qua tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh liên quan đến dự án đầu tư ra nước ngoài đối với nhà nước Việt Nam; thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho cơ quan có thẩm quyền;…

Nhà đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo thì tủy trường hợp, có thể bị xử phạt theo các hình thức bị nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài bị chấm dứt hiệu lực, bị công khai vi phạm trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đôla Mỹ); chuyển ngoại tệ, máy móc, hàng hóa, thiết bị ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư; tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc cho dự án đầu tư của mình ở nước ngoài theo quy định của pháp luật lao động của Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.