T6, 08 / 2020 9:46 chiều | hanhdalat

Đức là điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam với 4 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 92,6 triệu USD, chiếm 28% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong tháng 8/2020

Thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 330,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, có 86 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 218,5 triệu USD (tăng 21,3% so với cùng kỳ) và 25 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 111,8 triệu USD (tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2019).

Riêng trong tháng 8/2020, có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 8 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 77,3 triệu USD, bằng 47,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tăng gấp hơn 2,5 lần so với tháng 7/2020.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 8 tháng qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 10 dự án cấp mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 225,7 triệu USD, chiếm 68,4% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực dịch vụ lưu trú ăn uống đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 39,6 triệu USD, chiếm gần 12%; tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông.

Về thị trường, số liệu thống kê cho thấy, đã có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020.

Trong đó, dẫn đầu là thị trường Đức với 4 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 92,6 triệu USD, chiếm 28% tổng vốn đầu tư. Lào đứng thứ hai, với 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%. Tiếp theo là Myanmar, Hoa Kỳ, Singapore…

Như vậy là bất chấp Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tích cực đầu tư ra nước ngoài. Thậm chí, con số của 8 tháng năm nay còn cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (15,8%).

Điều đó cho thấy sự kiên trì, bền bỉ, sức chống chịu mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam trước các cú sốc từ bên ngoài.

Rõ ràng, bất chấp Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc đi lại của các nhà đầu tư, cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài hiện hữu, như nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, thì có một thực tế không thể phủ nhận là vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Để đón đầu được dòng vốn đầu tư dịch chuyển thời kỳ hậu Covid-19, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Tổ công tác này đã có những cuộc họp bàn đầu tiên và thống nhất, từ nay tới cuối năm, sẽ tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính là xúc tiến đầu tư, tham mưu đề xuất chính sách và truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam đang hấp dẫn hơn nhiều nước trong khu vực về thu hút đầu tư. Song nếu so sánh, sự thua sút Ấn Độ, Indonesia trong thu hút đầu tư cũng là điều cần tính tới, để làm sao môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, sự yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ… đang là một cản trở lớn của Việt Nam.

Bài viết cùng chuyên mục