T3, 08 / 2020 10:38 sáng | hanhdalat

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2020, vốn góp, mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, kéo theo tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút chỉ bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 19,54 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh đều tăng, lần lượt là 6,6% và 22,2%.

Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài 8 tháng đầu năm 2020

Cụ thể, có 1.797 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD; 718 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD.

Tính tới 20/8/2020, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 11,45 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 18 ngành lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện (trên 4 tỷ USD), hoạt động kinh doanh bất động sản (gần 2,87 tỷ USD) và bán buôn bán lẻ (1,21 tỷ USD)…

Về đối tác đầu tư, trong 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, dẫn đầu là Singapore (6,54 tỷ USD), tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan… Về số lượng dự án, Hàn Quốc đứng thứ nhất (463 dự án); Trung Quốc đứng thứ hai (256 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (196 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án)…

Nhờ 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu 59 tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp nhận đầu tư trong 8 tháng qua. Xếp thứ tự tiếp theo là Hà Nội (2,86 tỷ USD), TP.HCM (2,62 tỷ USD), Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng…

Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh nổi bật như tính ổn định về chính trị, thị trường tiêu thụ lớn, Chính phủ đổi mới và lực lượng lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nhà đầu tư vẫn còn những quan ngại liên quan đến sự thiếu ổn định về chính sách, các quy định pháp luật chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; hạ tầng cho các hoạt động logistic chưa phát triển đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế…

Có những thách thức mang tính khách quan, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực tài chính để giải quyết, nhưng cũng có những thách thức mang tính chủ quan và hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có quyết tâm cao và sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp FDI. Một số vấn đề mà các nhà đầu tư đều quan ngại là tính ổn định của các chính sách thuế, sự phù hợp về các tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế, tính minh bạch trong thực thi các quy định pháp luật về thuế và kế toán và các biện pháp bảo hộ đầu tư.

Những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã và đang có những ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới. Các dự báo kinh tế đều cho thấy một bức tranh ảm đạm với tốc độ tăng trưởng ở mức âm tại nhiều cường quốc lớn. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới quý 1/2020 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), do hậu quả của đại dịch, nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 3% trong năm 2020, nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Mặc dù vậy, từ đại dịch này, nhiều quốc gia và tập đoàn kinh tế lớn đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá. Một trong những bài học là sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế, hay một quốc gia để giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng.

Đây chính là cơ hội vàng hiếm có cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục