T5, 09 / 2020 4:41 chiều | hanhdalat

Ngày nay kế toán là một công cụ quản lý quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, người ta đã sử dụng các phương pháp hiện đại trong kế toán như phương trình kế toán, mô hình toán trong kế toán, kế toán trên máy vi tính… Sự ra đời của ngành như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của tư vấn Blue nhé.

Lịch sử ra đời ngành kế toán

Lịch sử hình thành nghề kế toán như hiện nay
Sản xuất ra của cải vật chất là cơ sở tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Ngay từ thời xa xưa, với công cụ lao động hết sức thô sơ, con người cũng đã tiến hành hoạt động sản xuất bằng việc hái lượm hoa quả, săn bắn… để nuôi sống bản thân và cộng đồng. Hoạt động sản xuất là hoạt động tự giác, có ý thức và có mục đích của con người. Cho nên khi tiến hành hoạt động sản xuất, con người luôn quan tâm đến các hao phí bỏ ra và những kết quả đạt được. Chính sự quan tâm này đã đặt ra nhu cầu tất yếu phải thực hiện quản lý hoạt động sản xuất. Xã hội loài người càng phát triển thì mức độ quan tâm của con người đến hoạt động sản xuất càng tăng và do đó, yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất cũng được nâng lên.

Để quản lý, điều hành hoạt động sản xuất nêu trên mà ngày nay gọi là hoạt động kinh tế cần phải có thông tin về quá trình hoạt động kinh tế đó. Thông tin đóng vai trò quyết định trong việc xác định mục tiêu, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra, kiểm soát quá trình kinh tế. Để có được thông tin đòi hỏi phải thực hiện việc quan sát, đo lường, ghi chép và cung cấp thông tin về các hoạt động kinh tế cho người quản lý. Kế toán là một trong các công cụ cung cấp thông tin về hoạt động kinh tế phục vụ cho công tác quản lý các quá trình kinh tế đó.

Quan sát là giai đoạn đầu tiên của việc phản ánh các quá trình và hiện tượng kinh tế phát sinh ở các tổ chức.

Đo lường là việc xác định các nguồn lực, tình hình sử dụng các nguồn lực đó theo những phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh riêng biệt, và các kết quả tạo ra từ quá trình đó bằng những thước đo thích hợp.

Ghi chép là quá trình hệ thống hoá tình hình và kết quả các hoạt động kinh tế trong từng thời kỳ theo từng địa điểm phát sinh, làm cơ sở để cung cấp thông tin có liên quan cho người quản lý.

Trải qua lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội, kế toán có những đổi mới về phương thức quan sát, đo lường, ghi chép và cung cấp thông tin cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội. Có thể nhìn nhận những thay đổi này qua những hình thái kinh tế xã hội.

Ở thời kỳ nguyên thủy, các cách thức đo lường, ghi chép, phản ánh được tiến hành bằng những phương thức đơn giản, như: đánh dấu trên thân cây, ghi lên vách đá, buột nút trên các dây thừng… để ghi nhận những thông tin cần thiết. Các công việc trên trong thời kỳ này phục vụ cho lợi ích từng nhóm cộng đồng. Khi xã hội chuyển sang chế độ nô lệ với việc hình thành giai cấp chủ nô, nhu cầu theo dõi, kiểm soát tình hình và kết quả sử dụng nô lệ, tài sản của chủ nô nhằm thu được ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư đã đặt ra những yêu cầu cao hơn trong công việc của kế toán. Các kết quả nghiên cứu của những nhà khảo cổ học cho thấy các loại sổ sách đã được sử dụng để ghi chép thay cho cách ghi và đánh dấu thời nguyên thủy. Các sổ sách này đã được cải tiến và chi tiết hơn trong thời kỳ phong kiến để đáp ứng với những phát triển mạnh mẽ trong các quan hệ kinh tế trong cộng đồng. Kế toán còn được sử dụng trong các phòng đổi tiền, các nhà thờ và trong lĩnh vực tài chính Nhà nước… để theo dõi các nghiệp vụ về giao dịch, thanh toán và buôn bán.

Mặc dù có nhiều đổi mới về cách thức ghi chép, phản ánh các giao dịch nói trên qua các giai đoạn phát triển của xã hội nhưng kế toán vẫn chưa được xem là một khoa học độc lập cho đến khi xuất hiện phương pháp ghi kép. Phương pháp ghi kép trước tiên được xuất hiện ở nơi này nơi khác qua sự tìm tòi của những người trực tiếp làm kế toán trong lĩnh vực thương nghiệp, công nghiệp. Đến năm 1494, Luca Pacioli, một thầy dòng thuộc dòng thánh Fran-xít, trong một tác phẩm của mình lần đầu tiên đã giới thiệu phương pháp ghi kép. Ông đã minh họa việc sử dụng khái niệm Nợ và Có để đảm bảo một lần ghi kép. Nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử kế toán đã cho rằng sự xuất hiện phương pháp ghi chép có hệ thống của kế toán dựa trên bảy điều kiện sau:

  • Có một nghệ thuật ghi chép riêng
  • Sự xuất hiện của số học
  • Việc tồn tại sở hữu tư nhân
  • Việc hình thành tiền tệ
  • Việc hình thành các quan hệ tín dụng
  • Việc tồn tại các quan hệ mua bán
  • Sự dịch chuyển của đồng vốn.

Theo cách nhìn đó thì kế toán đã có những phát triển về phương pháp ghi chép để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao trong nền sản xuất hàng hóa. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá rất cao vai trò của ghi kép đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Sự xuất hiện của phương pháp ghi kép đã trợ giúp việc theo dõi, giám sát các quan hệ thương mại ngày càng tăng, quan hệ tín dụng giữa người mua và người bán, giữa người cho vay và người đi vay trong xu thế dịch chuyển của các dòng tư bản ngày càng lớn giữa các vùng. Ngoài ra, phương pháp ghi kép cho phép các nhà tư bản hoạch định và đo lường ảnh hưởng của các giao dịch kinh tế, đồng thời tách biệt quan hệ giữa người chủ sở hữu với doanh nghiệp để thấy rõ sự phát triển của các tổ chức kinh doanh.

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản không chỉ gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mà còn gắn liền với những thay đổi về hình thái của các tổ chức kinh tế, các trung gian tài chính, cách thức quản lý trong các tổ chức này cũng như phương thức quản lý nền kinh tế ở góc độ vĩ mô. Đó là sự phát triển của hệ thống các ngân hàng cùng với việc ra đời nhiều công cụ tài chính, là sự phổ biến của mô hình công ty cổ phần vận hành trên các thị trường chứng khoán. Tất cả những điều kiện đó làm cho các dòng tư bản dịch chuyển thuận lợi và nhanh chóng hơn. Khái niệm người chủ doanh nghiệp không chỉ hạn chế vào một số nhà tư bản mà mở rộng ra cho mọi tầng lớp dân cư có khả năng góp một phần của cải dôi thừa của mình vào các công ty qua hình thức cổ phiếu, trái phiếu. Trong bối cảnh đó, kế toán không chỉ là sự ghi chép và cung cấp thông tin cho người quản lý ở doanh nghiệp mà còn có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho những đối tượng bên ngoài, như: cơ quan thuế, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, nhà đầu tư, nhà cung cấp, khách hàng…Việc công bố thông tin kế toán ra bên ngoài được xem là một yêu cầu khách quan của thực tiễn để nhà nước vận hành nền kinh tế tốt hơn; để các tổ chức kinh tế và cá nhân liên quan có điều kiện đánh giá các khoản vốn đầu tư của mình hoặc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tốt nhất. Vấn đề này đặt ra cho kế toán phải công bố những thông tin gì cho bên ngoài để vừa đảm bảo tính bí mật thông tin của từng doanh nghiệp, vừa đảm bảo nhu cầu thông tin của cộng đồng kinh doanh. Để đáp ứng những đòi hỏi đó, các hiệp hội nghề nghiệp về kế toán (có thể có sự can thiệp của chính phủ) đã xây dựng những qui tắc chung trong ghi chép, phản ánh và công bố các giao dịch kinh tế. Đây là một nhu cầu khách quan để người làm công việc kế toán có thể đạt được những thống nhất ở một chừng mực nhất định trong xử lý và cung cấp thông tin.

Mọi thắc mắc về kế toán, quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục