T7, 09 / 2020 4:18 chiều | hanhdalat

Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT là hai loại thuế thường xuyên được nhắc tới. Vậy bạn có phân biệt được hai loại thuế này. Hãy tìm hiểu qua bài viết sau của tư vấn Blue.

Phân biệt Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ tại. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

Thuế TTĐB có một số đặc điểm như sau:

– Thuế TTĐB là loại thuế gián thu. Tính chất gián thu của loại thuế này thể hiện: Thuế TTĐB đánh vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chịu thuế TTĐB một cách gián tiếp thông qua giá cả của hàng hoá, dịch vụ mà người đó tiêu dùng.

– Thuế TTĐB có đối tượng chịu thuế hẹp, chỉ bao gồm một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước cần điều tiết.

– Thuế TTĐB chỉ điều tiết một lần trong suốt quá trình lưu thông hàng hoá và dịch vụ. Cụ thể, các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB chỉ được đánh 1 lần ở khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ.

– Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao. Do đối tượng chju thuế tiêu thụ đặc biệt là những loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, không thực sự cần thiết nên việc áp dụng thuế suất cao là nhằm điều tiết lại quá trình sản xuất, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ này.

Thuế VAT (thuế giá trị gia tăng hay thuế GTGT) là loại thuế gián thu và tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông cho đến khi tới tay người tiêu dùng.

Thuế giá trị gia tăng có xuất phát điểm là từ nước Pháp – đất nước đầu tiên ban hành Luật thuế giá trị gia tăng trên thế giới vào năm 1954.

Thuế giá trị gia tăng tiếng Pháp là Taxe Sur La Valeur Ajou tée (TVA), tiếng Anh là Value Added Tax (VAT) và được dịch sang tiếng Việt của chúng ta là thuế giá trị gia tăng.

Hiện nay, thuế GTGT đã được áp dụng rộng rãi trên hầu như toàn bộ các nước trên thế giới (khoảng 130 quốc gia).

Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 9, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật thuế giá trị gia tăng và hiệu lực thi hành kể từ ngày đầu tiên năm 1999 (01/01/1999).

Phân biệt thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đều là các loại thuế gián thu đánh vào hàng hóa, dịch vụ.

Phân biệt thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng?

Sự khác biệt cơ bản:

1. Mục đích

– Thuế giá trị gia tăng(GTGT): góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông phân phối hàng hóa.

– Thuế tiêu thụ đặc biệt(TTĐB) nhằm điều tiết thu nhập của người tiêu dùng, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

2. Phạm vi áp dụng

– GTGT: phạm vi rộng, phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ.

– TTĐB: đánh thuế đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, ảnh hưởng đến sức khỏe hay không khuyến khích sử dụng ví dụ như rượu, bia, thuốc lá..

3. Đối tượng nộp thuế

– GTGT: là các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng háo, hoặc các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ.

– TTĐB: là các tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hay kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

4. Căn cứ tính thuế

– GTGT: căn cứ vào giá tính thuế và thuế suất trong đó

+ Giá tính thuế là giá bán hàng hóa, dịch vụ chưa có thuế GTGT

+ Thuế suất: phụ thuộc vào từng danh mục hàng hóa nhất định.

– TTĐB: dựa trên 2 căn cứ

+ Giá tính thuế là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT, bao gồm các khoản thu thêm, được thu(nếu có) mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

+ Thuế suất: dựa trên những loại hàng hóa và loại hình kinh doanh nhất định.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục