T3, 08 / 2020 9:47 sáng | hanhdalat

Quyền tác giả là gì? Bảo hộ quyền tác giả như thế nào? Đây là những vấn đề không mới nhưng cũng không phải ai cũng biết. 

Trong đời sống hàng ngày hiện nay, không khó để chúng ta có thể nghe thấy những cụm từ như “vi phạm bản quyền”; “ăn cắp ý tưởng”, “đạo văn”, “đạo nhạc”…Vì vậy việc bảo hộ quyền tác giả (quyền TG) thực sự quan trọng. Hãy cùng tư vấn Blue tìm hiểu vấn đề này.

Tìm hiểu về quyền tác giả

1. Quyền tác giả bao gồm những quyền gì ?
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo.

1.1. Quyền nhân thân
Gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền nhân thân đối với tác phẩm mà mình sáng tạo gồm: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm.

Chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả có các quyền nhân thân đối với tác phẩm gồm: công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thảo thuận khác; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thoả thuận khác (Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, Điều 22 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).

1.2. Quyền tài sản
Bao gồm:

Đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền như được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, truyển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê; được nhận giải thuởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.

Đối với tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản đối với tác phẩm mà mình là tác giả gồm: được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.

Chủ sở hữu không đồng thời là tác giả được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê (Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
Quyền tác giả không được xác lập dựa trên cơ sở đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Theo pháp luật sở hữu trí tuệ, tác phẩm dù đăng ký hay không đăng ký quyền tác giả thì vẫn được bảo hộ như nhau. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả vẫn rất cần thiết trong việc bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt khi xảy ra tranh chấp.

2. Tại sao pháp luật Việt Nam lại quy định về bảo hộ quyền tác giả?

Các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật đều được tạo nên bởi trí óc của con người. Để tạo ra những thành quả đó thì tác giả phải đầu tư, nỗ lực rất nhiều về trí tuệ, thời gian và tài chính. Do đó, mọi hành vi sử dụng tác phẩm đều phải có sự cho phép của chủ sở hữu và phải trả tiền cho hành vi sử dụng đó, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả là cơ sở pháp lý chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm.

Việc bảo hộ quyền tác giả đem lại lợi ích về vật chất và tinh thần cho tác giả, từ đó tạo nền tảng thúc đẩy, khuyến khích sự sáng tạo của con người. Việc khai thác tác phẩm mang đến sự động viên về tinh thần và giá trị vật chất, bù đắp cho công sức và chi phí bỏ ra để tạo nên tác phẩm đó.

3. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả như thế nào?
Để đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm các tài liệu như sau
3.1. Trường hợp người đăng ký là chủ sở hữu đồng thời là tác giả/ các đồng tác giả
+ 03 bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố;

+ 02 Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả;

+ Giấy uỷ quyền của tác giả/ các tác giả (theo mẫu);

+Tờ khai đăng ký bản quyền tác giả;

+ Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai – 1 bản (theo mẫu).

3.2. Trường hợp người đăng ký là chủ sở hữu không đồng thời là tác giả (tổ chức, công ty)
+ 03 bản mẫu tác phẩm gốc;

+ 01 Giấy uỷ quyền của tổ chức công ty (theo mẫu);

+ 01 Bản sao công chứng chứng minh nhân dân (hoặc Chứng minh thư gốc nộp kèm để đối chiếu khi không có công chứng bản sao) của tác giả/các tác giả tác phẩm có xác nhận sao y bản chính;

+ Giấy chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm của tác giả/ các tác giả cho chủ sở hữu tác phẩm (tổ chức, công ty) (1 bản);

+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập có công chứng;

+ Giấy cam đoan của tác giả/các tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai (theo mẫu);

+ Tờ khai đăng ký bản quyền tác giả.