Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) hoàn chỉnh, phù hợp các chuẩn mực quốc tế, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động xác lập, thực thi và khai thác, phát triển quyền SHTT, từ đó góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại cho các chủ thể trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, Cục SHTT đã tập trung đẩy mạnh công tác xử lý đơn SHCN, như xây dựng và vận hành hệ thống quản trị đơn, áp dụng hệ thống ISO trong hoạt động tiếp nhận, xử lý đơn, áp dụng hệ thống tiếp nhận đơn điện tử, tăng cường nhân lực xử lý đơn. Theo báo cáo của Cục SHTT, năm 2019, lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN tăng cao (tăng 16,7% so với năm 2018), trong đó đơn sáng chế tăng 22,5%, kiểu dáng công nghiệp tăng 21,5% và nhãn hiệu tăng 15,7%. Ðây là năm thứ hai đơn sáng chế của người Việt Nam vượt mốc 1.000 đơn (tăng 42% so với năm 2018). Lượng đơn xác lập quyền SHCN được xử lý tăng đột biến (tăng 51,7% so với năm 2018), trong đó kết quả xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu tăng 57% và sáng chế tăng 48,7%.
Ðể hỗ trợ hoạt động xác lập, thực thi và khai thác quyền SHTT hiệu quả, nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về SHTT cho các đối tượng liên quan đã được triển khai. Chỉ riêng năm 2019, Cục SHTT đã chủ trì, phối hợp tổ chức 70 khóa bồi dưỡng, tập huấn về SHTT cho gần 5.500 lượt người, đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hiệp hội, cán bộ, giảng viên, sinh viên. Hằng năm, Cục SHTT đều tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về SHTT, trong đó nổi bật là các hoạt động chào mừng Ngày SHTT thế giới (26-4), qua đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT.
Công tác thông tin SHCN dần đáp ứng nhu cầu tra cứu của công chúng, thông qua các giải pháp như: Phát hành các số Công báo SHCN trực tuyến; công bố số liệu đơn và văn bằng bảo hộ của các địa phương trên Cổng Thông tin điện tử của Cục; số hóa toàn bộ Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp đến hết tháng 9-2018 và cập nhật lên Thư viện điện tử sáng chế…
Ðể khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo, khai thác và ứng dụng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống, Bộ KH và CN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp” theo Quyết định số 68/2005/QÐ-TTg. Bộ KH và CN được giao chủ trì tổ chức triển khai chương trình, phối hợp nhiều bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hội, hiệp hội ngành nghề trong cả nước. Sau gần 15 năm triển khai, chương trình đã tạo hướng đi mới cho các địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo lập, quản lý, ứng dụng và khai thác các tài sản trí tuệ, góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về bảo hộ quyền SHTT, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục SHTT đang hỗ trợ đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản cho ba chỉ dẫn địa lý là: thanh long Bình Thuận, cà-phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn, đồng thời xúc tiến các thủ tục để hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh ra nước ngoài.
Thời gian qua, hoạt động bảo vệ quyền SHTT được triển khai bằng các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính.Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý thị trường, trong lĩnh vực quyền SHCN giai đoạn từ năm 2006 đến 2016, các cơ quan quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính gần 180 nghìn vụ liên quan hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, với tổng số tiền phạt là gần 592 triệu đồng. Giai đoạn từ năm 2013 đến 2018, Thanh tra Bộ KH và CN đã chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng thanh tra 280 cơ sở, phát hiện và xử lý 161 vụ xâm phạm quyền SHCN; phạt tiền 161 trường hợp với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng, đồng thời buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi nhiều loại sản phẩm, hàng hóa vi phạm, thay đổi tên doanh nghiệp và thu hồi nhiều tên miền vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự tại tòa án chiếm tỷ lệ rất thấp, số vụ bị xử lý về hình sự cũng không nhiều. Trong khi đó, tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản lòng nhà đầu tư và tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội. Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của hệ thống SHTT của nước ta hiện nay là hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là việc thực thi quyền bằng biện pháp tư pháp.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia đến 2030. Chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT. Việc xác lập quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Hiệu quả thực thi pháp luật SHTT được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền SHTT giảm đáng kể… Bộ KH và CN cho rằng, triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT sẽ tạo đột phá cho hoạt động của hệ thống SHTT quốc gia. Chiến lược sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung SHTT vào hoạt động quản lý nhà nước, từ đó triển khai thực hiện hoạt động SHTT một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng.